HDI Global SE vừa có thư gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cùng ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch Hội đồng thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam).
HD Global SE cũng cho biết sẽ báo cáo những vấn đề tồn tại tại PVI nhân chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức, ông Peter Atmaier.
HDI Global SE đang là một cổ đông lớn của Công ty Cổ phần PVI - đơn vị thành viên của Petro Vietnam. Cổ đông này cho biết đã tham gia đầu tư vào PVI từ năm 2011 và đến nay vẫn thực hiện cam kết đầu tư dài hạn vào công ty.
Tuy nhiên cổ đông lớn này lại đang trăn trở về việc đảm bảo PVI được điều hành và quản lý theo đúng pháp luật Việt Nam và các quy tắc quản trị doanh nghiệp.
HDI Global SE trong thư gửi lên Thủ tướng có nhắc đến mục tiêu chính của Hội đồng quản trị là đảm bảo thành công của công ty thông qua việc cùng chỉ đạo các giao dịch của công ty nhưng vẫn đáp ứng các lợi ích chính đáng của cổ đông và người sở hữu vốn quan trọng của công ty.
Do đó, trong Hội đồng quản trị phải gồm đại diện các cổ đông lớn và các thành viên độc lập theo quy định trong Luật Doanh nghiệp, Nghị định 71/2017 của Chính phủ và trong điều lệ của PVI.
Tuy nhiên, tại PVI cổ đông cũ lại được đề cử, trên cơ sở lạm dùng quyền hạn, vẫn tiếp tục tham gia vào Hội đồng quản trị với tư cách là người đại diện của PVCombank ngay cả sau khi PVCombank đã thoái toàn bộ vốn khỏi PVI.
Thực tế, PVCombank là công ty thành viên của Petro Vietnam, là cổ đông đã hoàn tất thoái vốn toàn bộ cổ phần và không còn là cổ đông lớn của PVI từ 31/1/2018.
Từ năm 2017, PVCombank đã cử ông Nguyễn Anh Tuấn tiếp tục là người đại diện của PVCombank trong Hội đồng quản trị PVI.
HDI Global SE cho biết đã đề nghị với Petro Vietnam và Hội đồng quản trị của PVI thay thế ông Nguyễn Anh Tuấn bằng một thành viên khác để người này giữ vai trò là thành viên độc lập trong Hội đồng quản trị theo Nghị định 71/2017 của Chính phủ. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị PVI cũng đồng thời là người đại diện vốn của Petro Vietnam tại PVI đã bác bỏ đề nghị này mà không có lời giải thích thoả đáng.
Các cổ đông lớn khác tại PVI như Funderburk Lighthouse Limited và Công ty Cổ phần Đầu tư Đường Mặt trời đã nhiều lần đệ trình các đề nghị lên Hội đồng quản trị yêu cầu tăng tổng số thành viên Hội đồng quản trị cũng như yêu cầu có quyền đề cử ứng viên của mình cho chức danh thành viên độc lập trong Hội đồng quản trị để tiến hành bầu chọn, nhưng cuối cùng các cổ đông lớn này đã thất bại. Dù cho các quyền hợp lệ này được quy định rõ ràng tại Điều 11.3. Điều 24.3 của Điều lệ PVI và trong Luật Doanh nghiệp.
HDI Global SE ủng hộ việc "PVI tăng số thành viên Hội đồng quản trị từ 8 người lên 9 thành viên để phản ánh trung thực tương quan về tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của các cổ đông và đảm bảo quyền lợi các cổ đông".
Trải qua nhiều cuộc họp với Petro Vietnam nhưng các đề nghị này của các cổ đông lớn PVI vẫn bị bác bỏ, trong khi đó Hội đồng quản trị PVI vẫn tổn tại một thành viên đại diện cho một công ty, thành viên của Petro Vietnam không còn là cổ đông ở PVI.
HDI Global SE cho rằng đây là việc làm bất thường, đi ngược lại các quy tắc quản trị doanh nghiệp.
Đồng thời kiến nghị PVI phải tăng số thành viên Hội đồng quản trị từ 8 lên 9 người, tạo điều kiện bầu thành viên Hội đồng quản trị độc lập theo đúng Nghị định 71 của Chính phủ.
Quỹ ngoại HDI Global SE được sở hữu 100% Tập đoàn Bảo hiểm Talanx. Hiện tại HDI Global đang là cổ đông lớn nhất sở hữu hơn 83,71 triệu cổ phiếu PVI tương ứng 36,22% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành, và cũng là cổ đông lớn nhất của PVI.
Petro Vietnam đang nắm 35,47% tại PVI tương ứng với 81,9 triệu cổ phiếu - là cổ đông lớn thứ 2 sau HD Global SE.
PVI hiện được niêm yết trên HNX với giá khoảng 36.200 đồng/cổ phiếu tương ứng giá trị vốn hoá vượt 8.300 tỷ đồng.
Bình luận